Khi di chuyển, nếu xe bị nóng máy, quá nhiệt trong thời gian dài có thể khiến cho động cơ bị hư hại, thậm chí gây ảnh hưởng tới các bộ phận khác. Việc tìm hiểu nguyên nhân và cách xử lý tình huống động cơ ôtô quá nhiệt giúp người dùng phát hiện, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh.
Dấu hiệu nhận biết động cơ ô tô quá nhiệt
Nếu nhiệt độ động cơ tăng cao vượt ngưỡng cho phép sẽ khiến xe ô tô bị nóng máy. Dấu hiệu dễ nhận thấy nhất khi xảy ra tình trạng này gồm có:
Có hơi nước hoặc khói bốc lên từ khoang động cơ
Người điều khiển phương tiện khi thấy tình trạng có hơi nước hoặc khói bốc lên từ phần mui xe thì rất có thể nhiệt độ khoang máy quá cao hoặc dầu rò rỉ cháy trong động cơ. Do đó, người lái nên dừng xe hoặc đưa ô tô tới xưởng sửa chữa gần nhất để được kiểm tra và xử lý.
Đồng hồ đo nhiệt độ chỉ mức đỏ
Đồng hồ báo nhiệt là một thiết bị chuyên dùng để đo nhiệt độ trung bình của hệ thống động cơ. Vai trò của nó là cảnh báo nhiệt độ động cơ khi xe đang vận hành, bởi vậy khi đồng hồ chỉ mức đỏ thì đây là dấu hiệu cho thấy nhiệt độ khoang máy quá cao.
Đèn cảnh báo nhiệt độ bật sáng
Trên bảng điều khiển hiển thị rất nhiều thông tin quan trọng về động cơ mà người lái cần chú ý. Với những mẫu ô tô hiện đại, nếu xe bắt đầu nóng vượt mức nhiệt cho phép thì đèn cảnh báo sẽ bật sáng, nhằm thông báo cho người điều khiển về tình trạng hiện tại của xe.
Nguyên nhân chủ yếu khiến động cơ ô tô quá nhiệt
Can thiệp đến động cơ sai kỹ thuật
Đối với động cơ chạy bằng xăng thì thời điểm đánh lửa và tỉ lệ hỗn hợp khí nén sẽ ảnh hưởng tới công suất của xe. Do đó, việc điều chỉnh tỉ lệ này sẽ tác động khá nhiều đến hoạt động động cơ, chỉ cần người lái hoặc nhân viên đơn vị sửa chữa chỉnh sai tỉ lệ, sẽ dẫn đến tình trạng quá nhiệt.
Chính vì thế, khi điều chỉnh thời điểm lửa và tỉ lệ hỗn hợp khí cần tuân theo đúng yêu cầu kỹ thuật để tránh xảy ra tình trạng tắc vòi phun, bộ cảm biến/ đầu nối ống xăng bị hở, hỏng bộ điều áp… dẫn tới lượng xăng phun không đạt và gây hiện tượng nóng máy.
Két nước bẩn
Cấu tạo két nước làm mát gồm các đường ống nhỏ hẹp, sắp xếp xen kẽ với lá nhôm, thiết kế này giúp nước làm mát có thể tản nhiệt nhanh chóng.
Tuy nhiên, nhược điểm là khu vực này thường nhanh bám bẩn và khó làm sạch theo cách thông thường. Chính vì thế khi xe ít được đưa đi vệ sinh định thì thì két nước sẽ có cặn bẩn, làm giảm hiệu quả quá trình làm mát động cơ và khiến xe ô tô bị quá nhiệt, nóng máy.
Thiếu dầu động cơ
Dầu nhớt có nhiệm vụ bôi trơn các chi tiết bên trong động cơ, lọc các chất bụi bẩn, mạt kim loại. Qua đó giảm thiểu lực ma sát giữa xilanh và các piston, đồng thời hạn chế bào mòn những chi tiết này trong môi trường nhiệt độ cao.
Nếu dầu nhớt không được thay hoặc kiểm tra thường xuyên trong quá trình sử dụng sẽ dễ bị khô, khiến động cơ xe làm việc nhanh nóng và xảy ra tình trạng quá nhiệt. Do đó, người dùng cần chủ động làm mới, thêm dầu để các bộ phận trong động cơ hoạt động trơn tru.
Ống dẫn nước bị hỏng
Nước làm mát sẽ được chuyển đến khu vực két nước thông qua hệ thống ống dẫn. Nếu bộ phận này gặp vấn đề, quá trình làm mát của két nước hoàn toàn mất tác dụng, dẫn tới động cơ ô tô bị nóng.
Những cách xử lý tình huống động cơ ô tô quá nhiệt
Dừng xe lập tức
Người lái nên dừng xe ngay sau khi phát hiện động cơ bị quá nhiệt. Trong trường hợp đang di chuyển trên đường cao tốc hoặc đoạn đường có mật độ phương tiện lưu thông nhiều, người lái nên chú ý quan sát và lái xe vào làn dừng khẩn cấp hoặc vệ đường.
Sau khi dừng, người điều khiển xe nên tắt máy và chờ động cơ nguội. Nếu khoang máy quá nóng và có khói, hơi nước bốc lên thì nên mở nắp capo để đẩy nhanh quá trình tản nhiệt. Người lái chỉ nên tiến hành kiểm tra các bộ phận bên trong khi động cơ đã nguội hẳn để đảm bảo an toàn.
Kiểm tra hệ thống làm mát
Khi động cơ xe đang nóng, người lái không nên mở nắp hoặc kiểm tra két nước làm mát để tránh bị bỏng. Trong quá trình kiểm tra, người lái cần chú ý quan sát hệ thống làm mát bị hư hỏng, xác định xe có bị rò rỉ nước làm mát ra ngoài động cơ không.
Nếu bị thiếu hoặc hết nước, chủ xe nên khắc phục tạm thời bằng cách đổ thêm nước làm mát, nước khoáng sạch và đưa phương tiện tới xưởng sửa chữa nếu cần thiết.
Tắt điều hòa, bật quạt tản nhiệt và chế độ lò sưởi
Thao tác bật chế độ lò sưởi, tắt điều hoà giúp tản bớt một phần nhiệt lượng từ sức nóng của khoang máy để sưởi ấm cho xe, qua đó làm giảm nhiệt động cơ nhanh hơn.
Phương pháp này cũng có thể áp dụng nếu ô tô đang lưu thông trên đường bị ùn tắc, không thể dừng lại, tuy nhiên người điều khiển phương tiện cần mở hết cửa sổ để tản nhiệt ra bên ngoài không khí.
Theo Lao Động