Liên quan sự việc vào ngày 22.2, trên mạng xã hội Facebook chia sẻ đoạn clip ghi lại cảnh một nhóm cầm điện thoại quay phim CSGT đang làm nhiệm vụ để đăng YouTube (tạm gọi YouTuber) với lý do "giám sát". Đồng thời, nhóm này còn yêu cầu CSGT cho xem chuyên đề, kế hoạch tuần tra. Chuyên gia pháp lý cho rằng pháp luật quy định người dân có quyền tham gia giám sát chuyên đề, kế hoạch tuần tra của CSGT, nhưng không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của họ trong khu vực cho phép và tuân thủ pháp luật để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Trao đổi về vấn đề này luật sư Bùi Quốc Tuấn (thuộc đoàn LS TP.HCM) cho biết sự giám sát của người dân trong mọi hoạt động thực thi pháp luật nói riêng và trong đời sống xã hội nói chung cần phải phù hợp với quy định pháp luật.
“Trường hợp CSGT làm nhiệm vụ là theo quy định của đơn vị, cơ quan chức năng thực thi pháp luật. Do đó, việc người dân trực tiếp tham gia ghi âm, quay hình không có kỷ cương, nề nếp sẽ trực tiếp gây ảnh hưởng hiệu quả công việc của CSGT. Chưa kể, việc sử dụng hình ảnh khi chưa có sự cho phép, trong nhiều tình huống còn ảnh hưởng đến uy tín của CSGT. Pháp luật không cấm người dân quay phim khi CSGT đang làm nhiệm vụ, nhưng với điều kiện phải tuân thủ quy định pháp luật”, LS Tuấn nói.
Hiện hành, Điều 16 Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định về hình thức giám sát của nhân dân cho phép người dân tham gia giám sát bằng 4 hình thức, như sau:
- Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;
- Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;
- Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Đặc biệt, quy định mới cho phép người dân giám sát thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp, nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau: "Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi nhiệm vụ; Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông) và tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan", LS Tuấn phân tích.
Do đó, theo LS Tuấn: “Nếu trong quá trình làm nhiệm vụ, CSGT có sai phạm, người dân có thể quay phim để cung cấp bằng chứng cho cơ quan chức năng xử phạt. Còn trường hợp, người dân lợi dụng dân chủ để cản trở, chống đối người thi hành công vụ; xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, ... thì sẽ bị xử lý theo pháp luật”.
>> Có thể bạn quan tâm: Tài xế có được kiểm tra kế hoạch chuyên đề của CSGT?
Trao đổi về vấn đề này, LS Nguyễn Hữu Thục (thuộc đoàn LS TP.HCM) cho biết thêm, hiện hành tại Điều 5 Thông tư 67/2019/TT-BCA quy định trong công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính, Công an nhân dân phải công khai kế hoạch, chuyên đề và công tác tuần tra, xử lý vi phạm.
Cụ thể, CSGT phải công khai “…Kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông; Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông; Kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên, gồm các nội dung cụ thể sau: Tên đơn vị; tuyến đường; các loại phương tiện và các hành vi vi phạm tiến hành kiểm soát, xử lý; thời gian thực hiện”.
Trong khi đó, Điều 6 Thông tư 67/2019/TT-BCA nêu rõ căn cứ vào đặc điểm, tính chất và nội dung, cơ quan Công an áp dụng một, một số hoặc tất cả 5 hình thức công khai để người dân hoàn toàn có quyền được biết kế hoạch tuần tra, kiểm soát chuyên đề của CSGT, cụ thể như: Đăng tải trên Cổng thông tin điện tử; Trang thông tin điện tử của cơ quan Công an; Đăng Công báo; Niêm yết tại trụ sở cơ quan Công an; Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng; Thông qua việc tiếp công dân; họp báo; Thông cáo báo chí; Hoạt động của người phát ngôn trong lực lượng Công an nhân dân theo quy định của pháp luật.
Liên quan 5 hình thức giám sát chuyên đề, kế hoạch tuần tra của CSGT, LS Thục cho biết pháp luật Việt Nam hiện hành không quy định người dân được phép xem chuyên đề, kế hoạch tuần tra của CSGT khi trực tiếp làm việc với CSGT.
Luật sư Bùi Quốc Tuấn cho biết thêm, trường hợp CSGT ra hiệu dừng xe kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, lúc này người bị dừng xe có thể được phép xem chuyên đề, kế hoạch tuần tra; hoặc có thể khiếu nại, khởi kiện quyết định xử phạt hành chính nếu cho rằng việc xử phạt đó không đúng.
Tham khảo từ ThanhNien
Một số người dùng ô tô muốn tiết kiệm nhiên liệu cho xe trong bối cảnh giá xăng biến động như hiện nay. Vậy, người dùng nên chọn chế độ lái xe nào tiết kiệm xăng cho ô tô?
Việc lắp đặt bộ ốp thể thao bodykit quanh thân xe giúp ngoại hình xe trở nên mạnh mẽ, hầm hố hơn nhưng ảnh hưởng không ít đến khả năng vận hành cũng như gây nhiều phiền toái khi đi đăng kiểm, bảo hiểm.
Dưới đây là những triệu chứng báo hiệu gầm ô tô bị hỏng và cần phải sửa chữa.
Trên kính chắn gió phía sau ô tô thường có những đường kẻ ngang song song nhau… tuy nhiên không phải người dùng ô tô nào cũng hiểu rõ chi tiết này.
Từ tháng 9.2023, người dùng ô tô có thể tra cứu xem ô tô có bị phạt nguội hay không thông qua ứng dụng (app) đặt lịch đăng kiểm vừa được Cục Đăng kiểm Việt Nam cập nhật, để tránh trường hợp mang ô tô đi đăng kiểm nhưng không được đăng kiểm do "dính" phạt nguội.